Bàn Phím Cơ - Tất cả những gì bạn cần biết nằm ở đây...!

Bạn sẽ nhận được gì khi bỏ ra khoản tiền 2 triệu đồng để mua những chiếc bàn phím nặng tới 1kg cùng tiếng gõ "tạch tạch" ồn ào chẳng mấy dễ chịu?

Phím cơ là gì?

Tất cả các loại bàn phím vật lý thông thường đều có cơ chế hoạt động rất dễ hiểu: khi bạn nhấn phím và nút nhấn được hệ thống ghi nhận, nút phím sẽ được cơ chế đàn hồi phía dưới đưa trở lại vị trí cũ để chờ đợi lượt nhấn tiếp theo.

Trên các loại bàn phím giá rẻ thông thường (bao gồm cả "huyền thoại" Mitsumi), cơ chế đàn hồi được thực hiện qua một miếng cao su dạng vòm (rubber dome). Trong khi có giá thành rất rẻ, rubber dome có một số nhược điểm lớn như cảm giác nhấn không êm tay, lực nhấn tương đối lớn, tốc độ gõ phím chậm, mức độ chính xác không cao và tuổi thọ sản phẩm ngắn.

Bàn phím cơ giải quyết tất cả các vấn đề này bằng một cơ chế đàn hồi riêng: switch. Được cấu tạo từ nhiều thành phần cơ học, các switch trên phím cơ không chỉ có tuổi thọ cao gấp 10 lần phím cao su thông thường mà còn giúp mang đến một trải nghiệm gõ phím êm ái, chắc chắn hơn.

Với những người dùng có nhu cầu sử dụng bàn phím thường xuyên, phím cơ sẽ giúp giảm bớt tình trạng mỏi tay cũng như nguy cơ chấn thương cơ ngón tay. Mức độ chính xác được gia tăng cùng khả năng kết hợp nhiều phím cùng lúc cũng là các lý do chính khiến cho phím cơ thu hút được một lượng tín đồ đông đảo trong cộng đồng game thủ.

Bàn phím cơ đã trở thành một phần không thể thiếu trong dàn máy của game thủ

Các loại switch khác nhau sẽ đem lại trải nghiệm gõ khác biệt nhau, phục vụ đầy đủ cho cả nhu cầu soạn thảo văn bản lẫn chơi game cũng như cho sở thích của riêng từng người. Sự khác biệt về switch sẽ làm nên 80% sự khác biệt về trải nghiệm. Bởi vậy, để hiểu rõ về phím cơ, trước hết bạn cần hiểu rõ về switch.

Hiểu rõ về switch trên phím cơ

Trên thị trường phím cơ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, loại switch phổ biến nhất là do một công ty đến từ nước Đức có tên Cherry sản xuất. Một số hãng phím cơ tại Trung Quốc và cả các hãng linh kiện chơi game như Razer và Steelseries cũng phát triển ra một số loại switch "nhái" cấu tạo của Cherry để giảm giá thành. Ngoài ra, trên phân khúc hàng phổ thông cao cấp, bạn còn có thể tìm mua các bàn phím sử dụng switch điện dung của hãng Topre.

Sau đây là chi tiết cho các loại switch phổ biến trên thị trường.

Cherry MX Red Switch và Black Switch

Black và Red là 2 loại switch tuyến tính

Như bạn đọc có thể thấy trong bức hình minh họa phía trên, các loại switch Red (Đỏ) và Black (Đen) của Cherry là loại tuyến tính, không có phản hồi vật lý trong suốt quá trình phím đi từ vị trí cao nhất xuống vị trí thấp nhất. Red và Black là 2 loại switch "êm" nhất trong tất cả các loại switch Cherry, do quá trình nhấn phím không khác gì quá trình nhấn một chiếc lò xo thẳng đứng.

Sự khác biệt giữa Red Switch và Black Switch là lực nhấn cần thiết: Black đòi hỏi lực nhấn lên tới 60 gram do đó sẽ giảm bớt khả năng nhấn nhầm phím, phục vụ tốt cho nhu cầu của các game thủ. Với lực nhấn cao như vậy, Black cũng sẽ khiến người dùng mệt mỏi hơn Red (lực nhấn 45 gram) và có thể coi là hoàn toàn không phù hợp cho văn bản. 

Cherry MX Brown Switch

Dù có lực nhấn tương đương với Cherry MX Red song các switch Brown lại có điểm phản hồi lực nằm trên hành trình nhấn. Điều này có nghĩa rằng khi nhấn phím đủ sâu để hệ điều hành nhận biết được phím đã nhấn, bạn sẽ có cảm giác về một khấc nhỏ nằm giữa phím. Trong khi tất cả các loại phím cơ đều không đòi hỏi người dùng phải nhấn hết chiều dài của lò xo, việc đặt điểm phản hồi lực ở giữa switch sẽ giúp người dùng dễ dàng nhận biết khi nào thì họ có thể nhả tay khỏi phím bấm, giúp giảm lực nhấn cần thiết.

Có thể khẳng định một cách gần như chắc chắn rằng Brown đang là loại switch phổ biến nhất trên thị trường hiện nay, bởi lực phản hồi khá dễ chịu giúp cho loại phím này trở nên phù hợp cho cả nhu cầu soạn thảo văn bản lẫn chơi game. Trong nhiều trường hợp, lựa chọn giữa Brown và Red cho game chỉ gói gọn trong yếu tố sở thích cá nhân - không ai có thể khẳng định Red tốt hơn hay Brown tốt hơn cho game bắn súng.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay còn có loại switch Orange của Razer nhưng thực chất đó cũng chỉ là một phiên bản "nhái" của Cherry MX Brown mà thôi.

Cherry MX Blue Switch

Với lực nhấn lên tới 50 gram và tiếng click ồn ào phát ra mỗi khi nhấn phím, Cherry MX Blue là loại switch dành riêng cho giới soạn thảo văn bản. Dù có lực nhấn khá lớn nhưng cơ chế phản hồi thông qua cả điểm khấc (giống như Brown) và tiếng click lại giúp cho người dùng có thể dễ dàng nhận biết khi nào thì thao tác nhấn phím đã được thực hiện thành công.

Do có tiếng click khá ồn ào và lực nhấn khá lớn nên Blue cũng là loại switch khá kén người dùng. Tiếng click của Blue khiến cho các bàn phím sử dụng switch này tỏ ra hoàn toàn không phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ hoặc môi trường văn phòng yên tĩnh. Để phát huy được tối đa hiệu quả của Blue switch, bạn cũng sẽ cần luyện tập để biết cách dừng nhấn phím ngay khi có tiếng click, tránh đẩy phím xuống hết mức gây mỏi tay (do lực nhấn khá lớn).

Cherry MX Blue cũng được Razer cải biến thành switch Razer Green trên các bàn phím cơ BlackWidow của hãng.

Topre Switch

Là loại switch dành cho các loại bàn phím có giá thành đắt đỏ, Topre thực chất là một loại switch "lai" giữa lò xo và đệm cao su. Cũng giống như Cherry MX, Topre cũng được chia làm nhiều loại phím với lực nhấn từ 30 gram cho đến 50 gram. Lựa chọn sử dụng Topre cho game hay cho công việc văn phòng cũng là tùy thuộc vào sở thích của mỗi người, song switch Topre luôn mang lại cảm giác nhấn êm ái, thanh thoát hơn và cũng không gây ra tiếng lạch cạch khi người dùng nhấn phím chạm đáy.

Hiện tại, Topre mới chủ yếu được dành cho các loại bàn phím có giá thành vào khoảng 5 triệu đồng của Happy Hacking, RealForce hay của chính Topre sản xuất (thương hiệu Type Heaven). Với ngoại lệ đặc biệt là chiếc NovaTouch của CM Storm, switch của Topre thường có số lựa chọn keycap (nút phím) khá hạn chế.

Razer tuyên bố ra mắt các loại switch tối ưu cho game thủ, nhưng thực chất chúng đều là các bản sao của Cherry.

Như đã đề cập ở trên, switch của Cherry thường bị "nhái" thành các loại switch khác, ví dụ như switch Kalih của Kaihoa (Trung Quốc) hay switch trên bàn phím của Razer. Cherry cũng có các loại switch có cấu tạo gần giống với 4 loại phổ biến Black, Red, Brown và Blue như Clear, Green hay Super Black, trong đó sự khác biệt lớn nhất thường là lực nhấn nặng hơn. Nhìn chung, trừ một số trường hợp đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể yên tâm gói gọn phạm vi tìm hiểu của mình trong 4 loại switch phổ biến kể trên.

Kích cỡ nào là phù hợp cho bạn?

Một trong những lựa chọn quan trọng đầu tiên mà người dùng cần nghĩ đến khi mua phím cơ là bố cục phím. Phím cơ hiện nay được chia làm 3 loại bố cục chủ yếu: Fullsize (104 phím như bàn phím thông thường), TKL (ten-key-lesss, không có phần phím số ở phía bên phải) và Mini (bố cục rút gọn, khá giống với bố cục phím laptop cỡ nhỏ).

Từ trên xuống dưới: Fullsize, TKL và Mini.

TKL hiện đang là bố cục phím được ưa thích nhất, bởi bộ phím số thường chỉ thật sự cần thiết đối với giới văn phòng, kế toán, ngân hàng - những người thường phải nhập liệu với các con số. Lượng diện tích tiết kiệm được so với Fullsize sẽ giúp người dùng có thể sử dụng chuột một cách thoải mái hơn. Nếu có nhu cầu phím số, bạn có thể mua các bộ phím số tách rời.

Các bàn phím Mini sẽ là loại tiết kiệm diện tích và gọn nhẹ nhất cho người dùng, song chúng lại gặp phải nhiều vấn đề khá bất tiện. Một số loại Mini (như Filco Minila và Ducky Mini) kết hợp hàng phím F (F1, F2...) và hàng phím số và do đó là hoàn toàn không phù hợp với các game thủ MOBA và game nhập vai online. Một số khác lại "ẩn" các phím Delete, Home, End... vào các phím thông thường và buộc người dùng phải kết hợp nhấn phím Fn để truy cập các tính năng này, gây ra bất tiện cho quá trình sử dụng. Dĩ nhiên, nếu đã nắm thành thục các tổ hợp trên bàn phím Mini, dòng bàn phím này sẽ giúp bạn giảm được đáng kể diện tích và trọng lượng khi di chuyển.

Cần lưu ý rằng bố cục phím Mini của các hãng sản xuất khác nhau cũng thường khá khác biệt, và đôi khi các hãng cũng sẽ ra mắt một số "biến thể" như chiếc QuickFire TK của CM Storm, vốn thực chất là một phiên bản TKL khá kì dị. Một số hãng sản xuất cũng thiết kế phím Enter theo hình chữ L ngược thay cho hình chữ nhật (cỡ nhỏ) thông thường, đặc biệt là các loại bàn phím dành riêng cho thị trường Nhật Bản.

Keycap và các loại phụ kiện khác cho phím cơ

Khả năng thay đổi keycap (nút phím) là một trong các điểm mạnh đặc trưng khác của phím cơ. Do các switch Cherry đều có cấu tạo phần gắn với keycap giống nhau (hình chữ thập) nên người dùng cũng có thể thoải mái lựa chọn keycap để thay thế mà không cần lo về tính tương thích.

Các loại keycap mua ngoài không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mà còn giúp mang lại cảm giác nhấn chắc chắn và êm ái hơn. Hiện tại, 2 chất liệu thường được sử dụng nhất trong quá trình sản xuất keycap là nhựa ABS và nhựa PBT. Lựa chọn của từng người dùng sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sở thích cá nhân, song phần đông người dùng đều cho rằng PBT sẽ giúp phím nhấn có cảm giác "đầm tay" hơn ABS. Ngoài ra, PBT cũng không bị ố vàng qua thời gian sử dụng.

Bộ keycap trong hình có giá ngang bằng bàn phím.

Ngoài keycap, người dùng cũng có thể đầu tư thêm các loại phụ kiện khác để có trải nghiệm gõ phím hoàn hảo nhất có thể. Đầu tiên là kê tay: loại phụ kiện này sẽ giúp bạn không bị mỏi cổ tay trong quá trình gõ bàn phím. Các loại kê tay có thể được làm từ nhựa hoặc gỗ, được bọc giả da hoặc để "trần", song tác dụng quan trọng nhất của chúng vẫn là vai trò điểm tựa cho tay. Một số hãng sản xuất cũng sẽ tích hợp sẵn kê tay vào thiết kế của bàn phím, song cảm giác đặt tay trên các loại kê tay này thường không thoải mái như mong đợi.

Tiếp đến có thể kể tới o-ring hoặc landing pad, các loại vòng đệm cỡ nhỏ được gắn vào xung quanh switch để giảm tiếng ồn khi gõ chạm đáy. Bên cạnh đó, nếu không vừa lòng với cáp USB có sẵn, bạn có thể chuyển sang sử dụng cáp xoắn Lindy để tránh tình trạng phải suốt ngày đi gỡ rối dây nối. Cuối cùng, bạn có thể đặt hàng các tấm che bụi Mica cao cấp (dù bàn phím thường có sẵn tấm che bụi đi kèm) để tăng mức độ bảo vệ và tính thẩm mỹ cho bàn phím của mình.

Bạn cần một chiếc kê tay êm ái cho trải nghiệm hoàn hảo.

Nhìn chung, chi phí cho phím cơ thường sẽ được tính bằng đơn vị triệu-đồng. Khoản tiền như vậy có thực sự xứng đáng với trải nghiệm mà bạn sẽ nhận được? 

Trong phần tiếp theo của bài viết, hãy cùng điểm qua các tên tuổi phím cơ phổ biến tại thị trường Việt cũng như tính toán sơ bộ chi phí cần có cho phím cơ.

Các tên tuổi bàn phím cơ đáng chú ý

Filco

Trong toàn bộ các hãng phím cơ tại Việt Nam thì có lẽ Filco (Nhật Bản) là tên tuổi đáng chú ý nhất. Những chiếc bàn phím Filco luôn có chất lượng chế tác rất tốt: các linh kiện được lắp ráp chắc chắn, vừa vặn, tạo ra cảm giác yên tâm khi cầm phím lên tay và dĩ nhiên là cả cảm giác "sướng" khi gõ.

Filco và bộ phím Ninja trứ danh.

Điểm yếu lớn nhất của Filco là mức giá khá cao (từ tầm cỡ 2,8 triệu đồng trở lên), không có đèn và kiểu dáng không thực sự phong phú. Tuy vậy, với các tín đồ phím cơ Việt Nam, Filco dường như đã trở thành một tên tuổi mang tính "đẳng cấp": nhắc đến Filco là nhắc đến những bộ bàn phím dành cho người "sành" phím cơ chỉ cần cảm giác gõ tuyệt nhất có thể trong gia đình Cherry MX và cũng không đòi hỏi những tính năng bổ trợ quá hào nhoáng như đèn LED hay phím macro.

Leopold

Dù là một thương hiệu khá non trẻ (ít nhất là với các thị trường phím cơ trong nước) nhưng Leopold đã nhanh chóng bắt kịp Filco trong phân khúc các thương hiệu phím cơ mang tính "đẳng cấp". Cũng giống như Filco, Leopold có chất lượng gia công chắc chắn và cảm giác nhấn "đã tay" không kém gì Filco. Thế mạnh của Leopold so với đối thủ Nhật Bản là ở chỗ thương hiệu này rất chịu khó đầu tư vào keycap. Nhờ đó mà Leopold cũng có số lượng tùy chọn màu sắc và cũng có trải nghiệm "nguyên bản" tốt hơn tất cả các bàn phím gốc từ các hãng khác – vốn đều có chất lượng keycap gốc khá dở.

Razer

Phải mất nhiều năm Razer mới thực sự trưởng thành trên lĩnh vực phím cơ

Là một hãng phụ kiện game đã được các game thủ Việt yêu thích từ lâu nhưng quá trình sản xuất phím cơ của Razer cũng hơi... gây tranh cãi. Những thế hệ BlackWidow đầu tiên của Razer đã từng bị một số không nhỏ các tín đồ phím cơ ghẻ lạnh vì keycap rất hay bị mờ chữ và vỏ nhựa không được chắc chắn. Đến năm 2014, Razer lại tiếp tục gây tranh cãi khi ra mắt 2 loại switch riêng được quảng cáo là "dành cho game thủ", vốn thực chất là các phiên bản nhái của Cherry MX.

Tuy vậy, trong suốt những năm vừa qua chất lượng của BlackWidow cũng đã được cải thiện đáng kể, và chiếc BlackWidow Chroma của hãng có thể được coi là bước trưởng thành về trình độ chế tác phím cơ. Bởi vậy mà các fan của Razer có thể yên tâm mua cho mình một bộ phím cơ Razer "ton-sur-ton" với các bộ chuột, tai nghe chất lượng cao của hãng.

CM Storm

Là sản phẩm của thương hiệu quen thuộc Cooler Master, bàn phím CM Storm có thể coi là một trong những cú lấn sân ngoạn mục nhất trong thế giới linh/phụ kiện PC. Tham gia vào thị trường khá muộn nhưng CM Storm nhanh chóng bắt kịp bằng những chiếc bàn phím có kiểu dáng đẹp, thiết kế chắc chắn, có đèn LED và quan trọng nhất là giá thành rất dễ chịu so với các đối thủ đi trước.

M Storm Novatouch - bàn phím Topre giá mềm, hỗ trợ keycap phổ thông

Ngoài ra, CM Storm cũng là một tên tuổi rất chịu khó tìm tòi ra mắt các chủng loại sản phẩm mới. Ví dụ, gần đây hãng này cho ra mắt chiếc Nova Touch sử dụng switch của Topre nhưng lại tương thích với keycap Cherry thông thường. Điểm yếu của CM Storm là một số ít sản phẩm có thể sẽ bị "xuống mã" khá nhanh trong quá trình sử dụng.

Ducky

Là tên tuổi đáng chú ý nhất đến từ làng phím cơ Trung Quốc, Ducky ghi dấu ấn tại thị trường Việt Nam với các sản phẩm bàn phím có hỗ trợ đèn LED có chất lượng gia công tốt. Một trong những điểm đặc trưng khác của Ducky là vô số chế độ đèn trang trí trên các dòng Shine, ví dụ như bật đèn lần lượt từng phím hoặc đèn nhấp nháy bắt mắt.

Điều trớ trêu là bàn phím Ducky cũng thường xuyên bị... chết LED. Nói như vậy không có nghĩa là Ducky là một thương hiệu quá tệ, bởi gần như tất cả các loại bàn phím có đèn không sớm thì muộn cũng đều gặp phải tình trạng này. Được bán với giá khá cao so với các thương hiệu Trung Quốc khác nhưng Ducky cũng được bảo hành trong vòng 2 năm.

Ducky thực sự là lựa chọn bàn phím "rực rỡ" nhất hiện nay theo nghĩa đen.

Cosair

Dù cũng là một hãng bàn phím xuất hiện tại Việt Nam khá muộn nhưng Cosair cũng đã kịp thâu tóm một lượng tín đồ không nhỏ nhờ các mẫu thiết kế vô cùng độc đáo. Là hãng đến sau nhưng Cosair lại là tên tuổi đầu tiên ra mắt bàn phím có các phím "nổi" hẳn lên phía trên khung phím. Trong khi chất lượng gia công của Cosair đã thuộc loại khá tốt, yếu tố thiết kế giúp cho hãng sản xuất vốn chuyên về RAM và nguồn máy tính này trở nên nổi bật trong một "rừng" bàn phím cơ có thiết kế khối chữ nhật hơi nhàm chán. Điểm trừ dành cho Cosair là giá thành tương đối cao (gần 4 triệu đồng cho bàn phím fullsize).

RealForce và Happy Hacking

Trong khi Filco là thương hiệu số 1 trong thế giới Cherry MX thì RealForce cũng có thể coi là "vua" của thế giới Topre. Hãng bàn phím cao cấp này hiện đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam với mức giá... gấp đôi các loại phím cơ Cherry. Điểm đáng chú ý nhất của RealForce hiển nhiên vẫn là cảm giác bấm vô cùng êm ái của switch Topre.

Nhỏ gọn và sử dụng bố cục kỳ lạ, Happy Hacking đòi hỏi sự đầu tư cả về tiền bạc lẫn thời gian học cách sử dụng.

Khác với các hãng bàn phím khác, Happy Hacking được thiết kế với bố cục phím rất riêng được nhà sản xuất này coi là bố cục khoa học nhất giúp tăng hiệu quả làm việc của người dùng. Happy Hacking không chỉ thử thách người dùng bởi mức giá (giá gốc của Happy Hacking tại Nhật Bản thường cao gấp 2 – 3 lần giá Filco) mà còn bởi quá trình sử dụng đòi hỏi rất nhiều sự tập luyện. Hiện tại, Happy Hacking chưa có kênh phân phối chính thức tại Việt Nam.

Các hãng khác

Ngoài các hãng bàn phím trên, thị trường Việt Nam còn chứng kiến một số lựa chọn bàn phím đến từ các hãng sản xuất chuyên về game như Steelseries, TT eSports, Ozone hoặc các hãng phụ kiện khá quen thuộc với người Việt như Logitech và Genius. Trong số này, bàn phím Steelseries hiện là một trong những lựa chọn tốt cho game thủ ưa thích Black switch.

Poker, một trong những mẫu bàn phím cơ được ưa thích nhất tại Việt Nam.

Một tên tuổi khác có thể kể đến là Vortex/iKBC. Chiếc Poker của hãng này hiện đang là lựa chọn mini phổ biến nhất của người dùng Việt, và các keycap chất lượng cao của hãng cũng rất được lòng game thủ trong nước.

Chi phí cho phím cơ

Từ phần đầu tiên của loạt bài tới thời điểm này, VnReview đã giới thiệu cho bạn đọc tất cả các yếu tố cần tính đến khi mua bàn phím cơ. Câu hỏi dành cho hiện tại là: "Chơi" phím cơ thì nên mua những gì, và với mỗi mặt hàng cần mua, bỏ ra bao nhiêu tiền là hợp lý?

Đầu tiên vẫn là lựa chọn bàn phím. Bạn đọc có thể tham khảo danh sách các hãng phím cơ phía trên để lựa chọn ra những tên tuổi hợp lý nhất với nhu cầu của mình. Khi lựa chọn phím cơ, lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn sẽ là: hãy tự tay thử nghiệm tất cả các lựa chọn có thể để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất. Sau khi mua phím, bạn sẽ phải chấp nhận lựa chọn bố cục và switch của mình (cho đến khi mang bộ phím đi... bán lại).

Bàn phím Leopold có giá tương đối cao nhưng lại đi kèm keycap PBT có chất lượng rất ấn tượng.

Nếu muốn tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu "ngon, bổ, rẻ", chúng tôi khuyên bạn đọc nên lựa chọn các dòng bàn phím giá dưới 2 triệu đồng đến từ CM Storm hoặc Ducky. Lựa chọn Filco hoặc Leopold sẽ là tốt nhất cho những người dùng muốn gắn bó với switch của Cherry, với mức giá vào khoảng 3 triệu đồng trở lên.

Để tiết kiệm chi phí thì bạn nên tỏ ra hoàn toàn thực tế với nhu cầu của mình, đặc biệt là về bố cục. Bàn phím fullsize sẽ có giá thành đắt hơn và chưa chắc đã tiện dụng hơn. Tiếp đó là nhu cầu về thẩm mỹ: ví dụ, bàn phím Filco Ninja rõ ràng là "đẹp, độc, đỉnh" hơn Filco thường, nhưng bạn có thực sự cần bỏ thêm vài trăm nghìn đồng để mua một chiếc bàn phím có cảm giác bấm giống hệt?

Nói như vậy không có nghĩa rằng bạn không nên mua bàn phím có phần vỏ khác biệt, mà rằng bạn cần cân nhắc thêm các yếu tố hợp lý hơn khi mua phím. Yếu tố quan trọng thứ hai sau khi đã mua bàn phím là keycap: các loại keycap tốt (ví dụ như PBT dày) sẽ đem lại cảm giác "đầm tay" hơn rất nhiều so với keycap đi kèm bàn phím. Mua thêm keycap gần như là một nguyên tắc bắt buộc để có được trải nghiệm gõ tối ưu, và bạn sẽ cần bỏ ra từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng cho các bộ cap làm từ ABS hoặc PBT.

Đầu tư cho keycap không chỉ là đầu tư cho thẩm mỹ mà còn là cho cả cảm giác gõ tuyệt vời nhất có thể.

Cũng tương tự như với bàn phím, keycap cũng có những lựa chọn lên tới... hàng triệu đồng. Lợi thế của các bộ keycap "đỉnh" đầu tiên vẫn là về mặt thẩm mỹ, song chúng cũng là các sản phẩm được chau chuốt hơn rất nhiều so với keycap tầm giá 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, các fan của Iron Man, Star Wars, DOTA2 hay bất kỳ một thương hiệu giải trí nào khác cũng có thể tìm cho mình các phím ESC, hàng phím F hoặc phím số đặc biệt (ví dụ như phím in nổi hình Iron Man) có giá lên tới vài trăm nghìn đồng cho... một phím.

Cuối cùng, bạn có thể đầu tư thêm một thanh kê tay để tăng mức độ thoải mái khi sử dụng. Các loại kê tay trên thị trường có giá thấp nhất chỉ vào tầm 200.000 đồng, song các sản phẩm ở vào tầm giá 400.00 đồng (bọc giả da) sẽ là điểm cân bằng tối ưu giữa giá thành và cảm giác êm ái khi kê tay.

Hiển nhiên, tất cả các khoản đầu tư trên đây đều là khá lớn khi so sánh với mức giá chỉ vào khoảng 100.000 đồng của các loại bàn phím cao su thông thường. Vậy, mức đầu tư này có phải là hợp lý hay không?

Câu trả lời là "có". Đứng từ vị trí của những người làm báo hay làm công nghệ (lập trình), một chiếc bàn phím cơ hiển nhiên là rất cần thiết khi xét tới khối lượng văn bản/code khổng lồ cần phải nhập mỗi ngày. Khác với bàn phím cao su có cảm giác bấm "giật cục" rất khó chịu, bàn phím cơ không hề gây đau tay sau khi sử dụng trong thời gian dài. Đó là còn chưa kể tới các tác dụng như tăng cường tốc độ gõ và giảm tỉ lệ gõ sai. Với game thủ, lựa chọn bàn phím cơ là một phần không thể thiếu của trải nghiệm game tối ưu. Khi nâng cấp từ bàn phím cao su lên Red switch, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra sự khác biệt trong trải nghiệm game: phím bấm của bạn sẽ có cảm giác như một thiết bị game thực thụ, thay thế cho cảm giác nhấn "tạm bợ" trên các bộ phím cao su kém cao cấp.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán:

zalo
Chat messenger